Lịch sử môn võ Judo

Các bài viết, sưu tầm về môn phái khác

Lịch sử môn võ Judo

Gửi bàigửi bởi Knock Out » Thứ 5 Tháng 7 14, 2011 2:10 pm

I/ Jujutsu và các cuộc nội chiến ở nước Nhật thời trung đại

Nhiều triệu năm trước, từ đáy đại dương sâu thẳm, những xung động núi lửa dữ dội đã nâng lên một quần đảo hình cánh cung ôm lấy bờ biển phía Đông châu Á. Một quần đảo mà ba phần tư là đồi núi, với những thung lũng và đồng bằng nhỏ không mấy màu mỡ, khiến con người sinh sống trên đó phải luôn chống đỡ với tự nhiên và có một thời gian dài phân rã, tranh chấp đất đai. Đó là quê hương của môn Judo, đất nước Nhật Bản.

Không giống Karate, Judo có nguồn gốc hoàn toàn từ lịch sử nước Nhật. Vì thế nó in đậm phong cách và triết lý nhân sinh của người Nhật . Có thể nói Judo là tinh tuý văn hoá Nhật thể hiện trong lĩnh vực chiến đấu. Người Nhật vốn trọng sự mềm mại, sự trong sạch về tâm hồn, ước mong hoà hợp với thiên nhiên. Điều đó ảnh hưởng rõ rệt đến môn Judo.

Tiền thân của Judo là môn võ Nhật cổ mang tên Jujutsu, một môn võ đánh tay không. Nội chiến triền miên trước năm 1600 đã thôi thúc Jujutsu phát triển. Lúc đó nó chỉ là một hình thức chiến đấu tàn khốc nhằm giết người bằng tay không, và chỉ dành đặc quyền luyện tập cho tầng lớp quý tộc và chiến binh (samurai).

Jujutsu được biết đến với những tên gọi khác nhau: Taijutsu , Yawara , Kempo , Kugusoku , Koshinomawan. Đó là một phần chương trình luyện tập của các võ sĩ, cùng với bắn cung, đánh giáo, đấu gươm, cưỡi ngựa, thao diễn và các nghi lễ. Nó không cần sử dụng nhiều sức lực, mà dùng sự khéo léo để hạ gục đối thủ. Điểm này rất gần với tâm hồn con người Nhật Bản, vồn thiên về những gì mềm mại.

Tầm quan trọng của Jujutsu ngày càng tăng theo đà lớn mạnh của tầng lớp võ sĩ sau thời Heian và trước thời Tokugawa, tức là sau năm 1185 và trước năm 1600. Đó là thời gian có nhiều loạn lạc và biến động. Nhật hoàng không có thực quyền mà nằm dưới sự chi phối của đại nguyên soái (Shogun). Hầu hết các đời đại nguyên soái không đủ lực lượng khống chế các lãnh chúa. Giữa đại nguyên soái và các lãnh chúa không trung thành diễn ra cuộc chạy đua về xây dựng lực lượng quân sự. Đó chính là lý do khiến Jujutsu ngày càng phát triển mạnh, trở nên đa dạng và chuyên biệt hơn. Nó phát triển thành các trường phái (Ryu), mỗi Ryu khai thác một khía cạnh riêng khác nhau của Jujutsu cổ điển. Trường phái này chú trọng các kỹ thuật ném quật (Nage), trường phái khác lại sử dụng nhiều đòn đè khoá (Osae, Shime, Kansetsu), hoặc có trường phái chuyên đánh điểm vào tử huyệt (Atemi). Về chiến thuật, quan điểm của các Ryu cũng khác nhau, coi trọng sự sáng tạo hoặc tính thời điểm, hay sự tấn công trước khi đối phương kịp chuyển động.

Sự kiểm nghiệm quan trọng nhất tính ưu việt của kỹ thuật và chiến thuật của các hệ phái là thực chiến. Jujutsu đã tự chứng minh sự mềm mại chết người của mình ở chiến trường khốc liệt, nơi người võ sĩ chỉ được lựa chọn sống hay chết.
II/ Thời kỳ Tokugawa (1603-1868)

Thế kỷ 16 là thế kỷ tranh hùng trong lịch sử nước Nhật. Các vị tướng lỗi lạc Nobunaga, Hideyoshi thay nhau thống trị rồi đột ngột qua đời. Vài năm sau khi Hideyoshi chết, Nhật Bản mới thực sự được thống nhất dưới tay một cộng sự thân cận của ông, Tokugawa Ieyasu.

Là một con người kín đáo và thâm hiểm, Tokugawa Ieyasu bị người Nhật phê bình rằng không thể tha thứ về mặt đạo đức. Nhưng không ai phủ nhận rằng con người này đã chấm dứt kỷ nguyên nội chiến, mở ra cho nước Nhật thời kỳ yên ổn dài 250 năm dưới sự thống trị của dòng họ ông.

Nắm quyền bằng mưu mô và vũ lực, dòng họ Tokugawa hiểu rõ sự nguy hiểm của những mầm mống vũ lực. Các đại nguyên soái Tokugawa ngày càng thắt chặt luật pháp về lưu hành và sử dụng vũ khí, nghiêm cấm các võ sĩ đạo giao đấu với nhau. Các loại binh khí dần nhường chỗ cho chiến đấu bằng tay không trong các trận đấu lén lút. Mặt khác, vai trò của tầng lớp samurai dần suy giảm trong thời bình, luyện tập Jujutsu không còn là đặc quyền của họ nữa. Về cuối thời Tokugawa, giới bình dân lớn mạnh, giữ vai trò chủ yếu trong xã hội. Do vậy, Jujutsu không chỉ lấn át các hình thức chiến đấu có vũ khí, mà ngày càng đến dần với giới đa số dân chúng. Nó thấm đượm nhiều giá trị đại chúng, từ bỏ những lễ nghi phức tạp và những tư duy chỉ thích hợp với thời chiến tranh.

Dưới thời Tokugawa, Jujutsu trải qua sự biến đổi chậm rãi nhưng lớn lao, dần mang dáng dấp một môn võ của cả dân tộc.

III/ Thế nào là môn võ của dân tộc Nhật ?

Hãy đọc hai bài thơ haiku cổ, viên ngọc quý của văn hoá Nhật Bản.

Bài thơ của nhà thơ Basho, sống trong thời Tokugawa :



Một cái ao già nua

Một con ếch nhảy vào

Tiếng nước vỗ



Người vội vã không thể thưởng thức bài thơ này, vì nó mở ra cái nhìn trực cảm vào bản chất huyền nhiệm của sự tồn tại. Tâm hồn thi nhân Nhật Bản thực sự tĩnh lặng, như sự tĩnh lặng mà gợn sóng của tiếng nước vỗ để lại trong lòng chúng ta.

Và một bài thơ khác của Chimyo thể hiện tình yêu, sự nâng niu thiên nhiên tươi đẹp, đến nỗi không nỡ làm đau nhành hoa bìm bìm quấn quanh gàu nước:



Một nhành bìm bìm hoa tím

Quấn quanh chiếc gàu

Ta sang háng xóm xin nước thôi



Tâm hồn Nhật Bản là như vậy, lắng sâu, trầm tĩnh và hoà đồng với thiên nhiên. Bất kỳ sản phẩm nào của nền văn hoá này cũng mang tính chất ấy, dù đó là một nghệ thuật chiến đấu.

IV/ Từ Jujutsu (Nhu thuật) tới Judo (Nhu đạo)

Đến cuộc duy tân Meiji (sau năm1868), Jujusu đã bước sang giai đoạn cuối cùng của sự hoà mình vào dân tộc Nhật. Đỉnh cao của sự hoà nhập đó là Judo. Do những nhu cầu xã hội và thay đổi về tư duy, Jujutsu cuối thế kỷ 19 thiên về khía cạnh tinh thần nhiều hơn nguyên bản của nó. Các võ đường Jujutsu không chỉ truyền dạy kỹ thuật, mà cả truyền cả triết lý nhân sinh và đạo đức cho võ sinh.

Giáo sư luật học Jigoro Kano, ngưòi sáng lập Judo hiện đại , sinh ra trong thị trấn nhỏ Mikage, trong quận Hyogo vào ngày 28 tháng 10 năm 1860. Ông lớn lên trong môi trường văn hoá truyền thống.Thời trẻ, Kano học Jujutsu với nhiều bậc thầy. Sensei Teinosuke Yagi là thầy dạy đầu tiên của ông. Năm 18 tuổi, ông theo học phái Tenshin-Shinyo của Sensei Hachinosuke Fukuda. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo, ông học Kito truyền thống từ Sensei Iikubo. Những năm 20 tuổi, Shihan Kano bắt đầu được truyền thụ những bí quyết của cả hai phái .

Bí quyết của phái Tenshin nằm ở các thế đè khoá và đánh huyệt, còn phái Kito lại có sở trường ném vật. Kano đã tìm tòi nhằm thống nhất những ưu điểm mà ông được học. Tìm ra nguyên lý phá thăng bằng (kuzushi) và cải tiến lại hệ thống kỹ thuật cũ, Kano đã tạo ra một trường phái mới mà ông gọi là Judo. Ông lập ra trường Kodokan để giảng dạy môn này.

Kano xây dựng hệ thống của mình quanh 3 nhóm kỹ thuật chính : kỹ thuật quật (Nage waza) , kỹ thuật khống chế (Katame waza) và đánh vào yếu huyệt (Atemi waza). Kỹ thuật ném quật, được phát triển từ kỹ thuật của Kito Ryu, đã đóng góp vào việc xây dựng các thế tấn (Tachi Waza) và các đòn hy sinh (Sutemi Waza).

Kỹ thuật khống chế (Katame waza) và Atemi của Kano được mô phỏng từ những tuyệt chiêu của trường phái Tenshin – Shinyo Ryu. Katame được tạo nên bởi đè (Osaekomi Waza ), kẹp (Shime Waza) và khoá khớp (Kansetsu Waza). Khi Kano đưa kỹ thuật đè ra dạy trước, bí mật của kẹp và khoá đã đựơc giữ lại, dành truyền dạy cho những ai đã đạt đến trình độ cao cả về kỹ thuật và sự phát triển tinh thần. Kỹ thuật đánh Atemi của Judo bao gồm đòn tay và đòn chân. Bởi tính nguy hiểm tự nhiên của nó, Atemi chỉ đưọc đem dạy cho những người có khả năng kiềm chế cao.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Judo và Jujutsu là sự phối hợp tinh thần và kỹ thuật. Judo được xây dựng trên một nền tảng triết lý hoàn chỉnh và có chương trình luyện tập khoa học. Mục đích của người luyện tập Judo là sống giao hoà với đồng loại và với vũ trụ. Chữ Do (Đạo) trong cái tên Judo là chỉ đạo lý này, chữ Do trong tên võ đường Kodokan lại có nghĩa là con đường đến với chân lý. Đặt tên như vậy, Shihan Kano đã gửi gắm triết lý của môn võ mới.

Để hoàn thành chương trình luyện tập nhằm đạt được Do, Kano đề ra những nguyên tắc đạo đức và triết lý nhân bản nghiêm ngặt cho hệ thống mới của ông. Các võ sư và võ sinh ở Kodokan phải noi theo những tấm gương lỗi lạc về ý chí và sự trung thực. Mọi sự đấu đá bên ngoài phạm vi võ đường, sự biểu diễn kiếm lời hay lối cư xử làm ô danh môn phái sẽ bị đáp lại bằng hình phạt trục xuất khỏi Kodokan. Với tính ưu việt của mình, Judo được chính các bậc thầy về Jujutsu tán thưởng. Ngày 24 tháng 7 năm 1905, mười tám võ sư đại diện cho chưởng môn các Ryu của Jujutsu họp nhau tại Butokukai ở Kyoto để học theo hệ phái của Kano. Nhà nước nhanh chóng nhận ra ưu điểm của Judo và đưa môn này vào giáo trình học thể dục của học sinh tiểu học Nhật. Như vậy Judo gần như trở thành quốc võ khi mọi người Nhật đều có thời luyện tập môn này.

Giờ đây Judo đã phổ biến khắp thế giới, với hàng chục triệu võ sinh.

V/ Kết luận

Khác với thời trung đại, ngày nay, con người gây ra chiến tranh bằng các phương tiện phi cơ bắp. Thời đại này ngày càng đòi hỏi ở con người nhiều trí tuệ và bản lĩnh tinh thần hơn. Vậy còn chỗ nào để võ thuật, phương tiện chiến đấu bằng tay chân, tồn tại ?

Không chỉ Judo, mà nhiều võ phái cổ đã hoà nhập được với thời đại. Ngày nay võ thuật không tìm đến mục đích giết người mà coi trọng các giá trị tinh thần và nhân bản. Các võ sinh Judo đừng quên rằng triết lý của môn phái mình là hoà thuận với xã hội và tự nhiên.

Võ thuật cũng là kết tinh của văn hoá và sẽ gắn bõ mãi mãi với con người trên con đường phấn đấu tìm sức mạnh tinh thần và cuộc sống hoà bình.
ANH HÙNG XUẤT THIẾU LÂM
Hình đại diện của thành viên
Knock Out
Thành viên 4 sao
Thành viên 4 sao
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 5 11, 2011 5:47 pm
Đến từ: Định Công đường

Re: Lịch sử môn võ Judo

Gửi bàigửi bởi Knock Out » Thứ 5 Tháng 7 14, 2011 2:19 pm

vị giáo sư Nhu đạo(judo) đầu tiên của Việt Nam


JUDO hay Nhu Đạo là môn võ của người Nhật đã bành trướng mạnh trên đất nước Việt Nam gần nửa thế kỷ nay. Tinh thần Võ sĩ đạo cao thượng, triết lý sâu xa, những đòn biểu diễn đẹp mắt, những thế tự vệ hữu hiệu, những giáo sư danh tiếng như : Phạm Lợi, Thích Tâm Giác, Hồ Cẩm Ngạc… đó là những điều mà người ta biết về Nhu đạo. Nhưng Nhu đạo du nhập vào Việt Nam bằng cách nào? Và ai là vị giáo sư Nhu đạo đầu tiên của Việt Nam? Kể cả võ sinh Nhu đạo ít người biết đến vấn đề này.

Trước đây, có một thời gian người Nhật sang chíếm đóng ở Việt Nam nhưng không phải chính họ đã đầu tiên phổ biến môn võ này mà là một người Thái Lan. Năm 1937, có một sĩ quan người Thái Lan lưu vong sang Việt Nam được vị Chánh Mật thám Đông Dương thời bấy giờ mời dạy cho nhân viên Công an và Cảnh sát. Từ đó Nhu đạo bắt đầu xuất hiện nhưng phạm vi hoạt động còn nhỏ hẹp, chỉ có một số ít quân nhân người Việt Nam và Pháp kiều theo học mà thôi. Đến năm 1946 vị giáo sư Nhu đạo đầu tiên của Việt Nam huyền đai đệ nhất đẳng từ Pháp về nước mở lớp dạy tại sân Hào Thành với hai người Pháp phụ tá là Reiner và Zonca. Đó là giáo sư Phạm Đăng Cao. Lúc đầu cũng chỉ có Pháp kiều theo học, về sau nhóm Hàn Bái Đường đến thụ giáo và thâu đạt được nhiều kết quả.

Sau một thời gian sang Pháp được thăng đệ nhị đẳng, Giáo sư Phạm Đăng Cao về nước làm Tỉnh trưởng Cần thơ, năm 1949. Nơi đây ông lại mở dạy tại tư dinh. Vì thế trong các tỉnh miền Nam, Cần thơ là nơi Nhu đạo xuất hiện đầu tiên và có rất nhiều giáo sư Nhu đạo xuất thân từ tỉnh đó. Một vài vị nổi tiếng như : ông Phan Văn Quan hiện là chủ tịch Tổng cuộc Nhu Đạo Việt Nam, cố Trung tá Lưu Trọng Kiệt, Nguyễn Văn Chơi…

Giáo sư Phạm Đăng Cao sang Pháp đã từ lâu nên hiện nay không biết đã được mấy đẳng. Sau khi giáo sư Phạm Đăng Cao sang Pháp thì từ Pháp Gs. Phạm Lợi về nước với những tổ chức tinh vi, chặt chẽ, phát triển mạnh môn Nhu đạo tại nước nhà. Lực lượng Thanh niên Nhu đạo ra đời và sau này đổi lại là Thanh Niên Tiền đạo Việt Nam. Tổ chức này hiện nay vẫn còn hoạt động mạnh. Trong số các giáo sư Nhu đạo tại Việt Nam, Phạm Lợi là vị Giáo sư có đẳng cấp cao nhất : Huyền đai đệ tứ đẳng, hiện đang là trưởng Ban kỹ thuật của Tổng cuộc Nhu đạo Việt Nam.

Mãi đến những năm gần đây môn phái Nhu đạo mới hân hạnh đón nhận hai vị Giáo sư xuất thân từ Nhật bản về nước. Đó là Hồ Cẩm Ngạc và Thích Tâm Giác. Cả hai vị đều là đệ tam đẳng. Nhưng bất hạnh thay Giáo sư Bùi Cẩm Ngạc sớm bỏ cõi đời để môn phái Sơn Điền mất đi một người cha, người anh kính mến. Và vì lý do chính trị đến sau ngày Cách mạng thành công, Thượng Tọa Thích Tâm Giác mới hoạt động được. Viện Nhu đạo Quang Trung bắt đầu thu nhận võ sinh và hiện nay là một võ đường rộng lớn và nổi tiếng nhất.

Như thế chúng ta nhận thấy rằng mặc dầu Nhu đạo là một môn võ của Nhật bản nhưng được truyền sang Việt Nam từ Tây Phương. Phạm Lợi, Hồ Cẩm Ngạc, Thích Tâm Giác là những giáo sư danh tiếng, nhưng Phạm Đăng Cao mới chính là vị Giáo sư Nhu sư đầu tiên. Và có lẽ chúng ta ai cũng nhận ra rằng những vị có tên trên là những bậc tiền bối, có công rất lớn với nền Nhu đạo Việt Nam vậy.
ANH HÙNG XUẤT THIẾU LÂM
Hình đại diện của thành viên
Knock Out
Thành viên 4 sao
Thành viên 4 sao
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 5 11, 2011 5:47 pm
Đến từ: Định Công đường


Quay về Các môn phái khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.8 khách.